MỤN KHÔNG VIÊM (P1) – Mụn đầu đen, đầu trắng, mụn cám từ đâu mà ra?

Tổng hợp thông tin về Nguyên nhân và cơ chế hình thành của MỤN CÁM hay nhất và đầy đủ nhất

Từ lâu, mụn không viêm (mụn đầu đen, đầu trắng, mụn cám) đã trở thành một nỗi ám ảnh dai dẳng của rất nhiều bạn. Chưa kể chúng còn có nguy cơ chuyển thành dạng mụn viêm với mức độ nghiêm trọng hơn.

Vậy làm sao để ngăn chặn được tình trạng này? Muốn giải quyết triệt để, chúng ta cần phải xuất phát từ căn nguyên vấn đề. Với bài viết này, Twins sẽ trình bày chi tiết cả về nguyên nhân và cách điều trị, chăm sóc da phòng ngừa.

Bạn nhớ đừng bỏ sót bất cứ phần nào nhé, chúng ta bắt đầu thôi!

Tổng quan về nguyên nhân hình thành mụn trứng cá không viêm

Trong bệnh học, mụn trứng cá có thể chia thành mụn viêm (mụn mủ, mụn bọc, sẩn, cục, nang…) và dạng mụn không viêm (mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn cám…). Theo thống kê và nghiên cứu mô bệnh học 2 dạng mụn này thể hiện rõ sự khác nhau về các căn nguyên gây mụn. Cụ thể ở dạng mụn không viêm chỉ có ba yếu tố xảy ra trong tổ chức nang lông:

  • Tăng tỷ lệ bài tiết bã nhờn cùng với sự sừng hóa nang lông bất thường
  • Sự tham gia của vi khuẩn trong tuyến bã nhưng không gây viêm
  • Cơ chế miễn dịch bẩm sinh của cơ thể không phản ứng lại những thay đổi tại cấu trúc nang lông tuyến bã, thường kết hợp với một làn da dày sừng chết và một chế độ chăm sóc làm sạch kém.

Trong khi ở các dạng mụn viêm sẽ xảy ra một quá trình viêm khuếch đại theo tín hiệu được tạo ra từ cấu trúc nang lông, từ vi khuẩn tham gia xử lý và sử dụng chất bã nhờn trong nang lông. Và ở đó sẽ diễn ra đầy đủ 4 căn nguyên chính của mụn trứng cá bao gồm:

  • Tăng tỷ lệ bài tiết bã nhờn
  • Sừng hóa bất thường của tế bào nang lông
  • Sự tham gia của vi khuẩn gây mụn
  • Quá trình viêm nhiễm sau đó

Bạn có thể tìm hiểu thêm về 4 nguyên nhân trên tại đây: https://twinsskin.com/khoa-hoc-lan-da/hieu-sau-ve-mun-trung-ca-p1-co-che-benh-sinh-cua-mun-trung-ca/

Phân tích từng nguyên nhân cụ thể

Tăng tiết bã nhờn

Nội tiết tố androgen (đặc biệt là testosterone) kích thích tăng sản xuất và bài tiết bã nhờn. Tăng sản xuất bã nhờn tương quan trực tiếp với mức độ nghiêm trọng và sự xuất hiện của các tổn thương do mụn trứng cá. Những người có hiện tượng tăng tiết bã nhờn có thể có lượng hocmon androgen (trong các bệnh lý của các tuyến nội tiết) tăng cao, gây tăng tiết bã. Hoặc có lượng hocmon androgen bình thường nhưng các tuyến bã nhạy cảm hơn với kích thích của androgen.

Hậu quả của sự mất cân bằng này là tuyến bã nhờn ở trạng thái kích thích sản xuất liên tục nhiều bã nhờn dư thừa. Gây nên hiện tượng da bóng dầu hoặc tích tụ tạo nên nhân mụn, tạo nên các dạng mụn không viêm. Hình thái của chúng còn tùy thuộc vào tình trạng đóng/mở của nang lông. Ngoài ra, tăng tiết bã nhờn thường đi kèm với hiện tượng tăng sừng nang lông và quá trình sừng hóa bất thường của biểu bì.

Sừng hóa bất thường

Các tế bào sừng trong các nang bình thường thường rụng vào lòng nang dưới dạng các tế bào đơn lẻ. Hiện tượng này xảy ra cả ở trong lòng tuyến bã và trong nang lông, sau đó được đào thải ra ngoài. Ở những bệnh nhân bị mụn trứng cá, tế bào sừng tăng sinh quá mức và chúng cũng không rụng như bình thường. Điều này dẫn đến một sự kết hợp “oái ăm” giữa các tế bào sừng bất thường trong nang bã nhờn cùng với các lipid.

Hiện tượng này dẫn đến hình thành mụn trứng cá không viêm. Cụ thể khi lượng bã nhờn tích lũy tạo thành nhân mụn và được đưa dần lên bề mặt da, chúng sẽ tạo thành các dạng mụn không viêm hở bao gồm một nang chứa đầy chất bã nhờn phía dưới. Trong trường hợp da có hiện tượng sừng hóa bất thường, các lớp sừng trên cùng kết dính lâu ngày không được loại bỏ sẽ tạo ra hiện tượng dày sừng bịt kín các cấu trúc lỗ mở của nang lông dẫn đến dạng mụn không viêm đóng.

cách trị mụn không viêm

Sự tham gia của vi khuẩn gây mụn

Các loài vi khuẩn phổ biến được tìm thấy trong các tổn thương mụn không viêm là S. epidermidis và C. acnes.

Vi khuẩn Cutibacterium acnes được coi là có vai trò quan trọng nhất trong quá trình sinh bệnh của mụn trứng cá viêm. Những vi khuẩn kỵ khí này sản xuất rất nhiều loại enzym, bao gồm lipase, protease và bất kỳ enzym ngoại bào nào khác. Loại vi khuẩn này cũng tiết ra các yếu tố hóa học có thể gây viêm do kích thích lên bạch cầu đa nhân trung tính, tế bào lympho và đại thực bào. Cutibacterium acnes cũng tạo ra các axit béo tự do từ chất béo trung tính, dẫn đến hình thành nhân mụn. Số lượng khuẩn lạc C. acnes trên tổn thương viêm cao hơn so với khuẩn lạc trên tổn thương không viêm (bạn có thể hiểu khuẩn lạc là một “tập đoàn” vi khuẩn). Rất nhiều nghiên cứu đã báo cáo rằng đối tượng bị mụn không viêm hoặc có làn da khỏe mạnh thường mang những chủng vi khuẩn ít độc lực như các chủng II,III và IB. Trong khi C. acnes Chủng I đặc biệt liên quan đến các tổn thương nặng của tình trạng mụn viêm trứng cá cấp độ trung bình tới nặng.

Và bạn cũng cần biết rằng, ở những cá thể có mụn trứng cá không viêm vẫn tồn tại sự xâm nhập của vi khuẩn gây mụn, điển hình là C.acnes. Tuy nhiên chúng đa số là các chủng độc lực thấp, hoạt động tại tuyến bã tạo nên các hợp chất trong nhân mụn mà không kích hoạt quá trình viêm bẩm sinh. Chúng cũng không gây vỡ nang lông tuyến bã tạo nên tình trạng viêm rộng và không gây nên mụn viêm. Nhưng bạn chớ chủ quan, bởi mụn không viêm rất dễ chuyển trạng thái sang dạng mụn viêm khi có sự kết hợp của các chủng vi khuẩn có độc lực cao. Đặc biệt là khi tình trạng tăng tiết bã ở da diễn ra mạnh mẽ.

Các dạng mụn không viêm

Mụn đầu đen

cách trị mụn đầu đen ở mũi

Mụn đầu đen là loại mụn xuất hiện khi lỗ nang lông trên da bị bít tắc, không viêm. Cơ chế hình thành mụn đầu đen là do tuyến bã trên da hoạt động mạnh tạo thành lượng lớn bã nhờn tích tụ và tạo áp lực đẩy ra khỏi bề mặt da. Nhưng do lỗ chân lông bị chít hẹp và bít tắc một phần khiến bã nhờn không được đẩy hoàn toàn lên bề mặt da và cô đặc trong nang lông tạo nhân mụn. Khi các nốt mụn trong lỗ chân lông tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa và nhân mụn chuyển sang màu đen. Bạn lưu ý lỗ chân lông ở trường hợp mụn đầu đen sẽ bị bít tắc, nhưng là bít tắc không hoàn toàn nhé. Điều này có thể gây ra bởi hiện tượng tăng sừng hóa. Cộng với việc bụi bẩn, tế bào chết, sản phẩm trang điểm và vi khuẩn tích tụ lâu ngày trong lỗ chân lông.

Mụn đầu đen có kích thước nhỏ khoảng 1mm và có phần nhân mụn màu đen trồi lên trên bề mặt da. Mụn đầu đen thường không gây đau nhức hoặc sưng đỏ như mụn viêm. Nhưng nếu nặn mụn không đúng cách, sát khuẩn kém, đặc biệt trên cơ địa đã có sẵn tình trạng mụn nặng với đa dạng các phân loại mụn, chúng có thể tiến triển nặng hơn, gây viêm nhiễm và tiến triển thành mụn viêm. Mụn đầu đen thường xuất hiện trên mặt, đặc biệt là vùng mũi. Ngoài ra, mụn đầu đen cũng có thể xuất hiện ở vùng lưng, ngực cổ, vai hay cánh tay. Và vì mọi loại da đều có nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông và đều có tuyến bã nhờn nên mụn đầu đen có thể xuất hiện ở cả da dầu, da thường hoặc da khô. Nhưng chủ yếu gặp ở làn da dầu.

Vùng mũi là nơi thường xuất hiện của mụn đầu đen vì đây là khu vực có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ nhất nên dễ bị bám vi khuẩn và bụi bẩn.

Mụn đầu trắng

cách trị mụn đầu trắng

Mụn đầu trắng cũng là loại mụn trứng cá với cơ chế hình thành tương tự mụn đầu đen. Nhưng khác biệt ở chỗ chúng là mụn dạng đóng, do lỗ chân lông bị bít tắc hoàn toàn bởi các yếu tố ngoại sinh hoặc do hiện tượng dày sừng của da. Dày sừng là kết quả của việc tăng sừng hóa lớp biểu bì và quá trình thay mới của làn da diễn ra quá lâu, khiến các tế bào sừng bề mặt liên kết quá chặt. Dẫn đến lỗ chân lông bị bịt kín hoàn toàn gây ra các loại mụn đóng, nhân mụn không tiếp xúc với không khí nên không bị oxy hóa và chuyển màu.

Mụn cám

cách trị mụn cám ở mũi

Mụn cám về mặt cơ chế cũng giống 2 loại mụn không viêm trên. Chúng thường xuất hiện ở những vùng tăng tiết bã mạnh và ở những người có hiện tượng tăng tiết dầu liên tục. Điểm khác biệt ở đây là khi không đẩy được hoàn toàn lên bề mặt da, lượng bã nhờn đọng lại sẽ cô đặc giảm nước và được đẩy từ từ do áp lực từ lòng tuyến. Từ đó tạo nên các sợi bã nhờn. Sau quá trình làm sạch, các sợi bã nhờn trên bề mặt cũng lộ diện và được làm sạch. Nhưng quá trình đẩy bã nhờn vẫn tiếp tục dẫn đến hiện tượng sợi bã nhờn tồn tại dai dẳng. Vị trí thường gặp là những vùng mật độ tuyến bã cao và hoạt động mạnh như mũi, cằm…

Kết thúc phần 1 tại đây. Twins mong bạn đã đọc kỹ và hiểu được những yếu tố chính dẫn đến hình thành mụn không viêm. Như vậy thì sang đến phần 2 ứng dụng, bạn sẽ lại càng dễ ghi nhớ và nắm vững các nguyên tắc điều trị, phòng ngừa đấy.

Cùng đón chờ phần 2 của Twins nhé!

Nguồn: Cố vấn chuyên môn Twins Skin – Bác sĩ Đỗ Thành tổng hợp, bình luận và biên tập.

Rate this post

Related Posts